Diễn biến Chiến_tranh_Đại_Việt_-_Lan_Xang_(1478-1480)

Xung đột biên giới

Tháng 2 năm 1467, quân Lan Xang đánh chiếm động Cự Lộng, quấy nhiễu các vùng biên giới. Lê Thánh Tông sai Hành tổng binh Khuất Đả đem 1.000 quân, cùng với Đồng tổng binh Nguyễn Động và Tán lý quân vụ Nghiêm Nhân Thọ họp với quân đồn trú trấn Gia Hưng lên đánh. Khi đến nơi, quân Lan Xang đã rút, Khuất Đả bèn tâu là Lan Xang xin trả lại đất đã chiếm. Lê Thánh Tông bèn cho Đào Viện thay chức Đốc tướng.

Tuy nhiên, đến tháng 3, Khuất Đả họp quân ở Mộc Châu (Gia Hưng), sai đem 300 thổ binh đóng quân ở sách Câu Lộng (Mã Giang), sai Lê Miễn đêm quân vệ Gia Hưng đóng quân ở Khâu Chúc, hợp với quân hai châu Mường ViệtMường Muỗi, hư trương thanh thế khiến quân Lan Xang tan vỡ. Tướng Lan Xang (Ai Lao) là Đạo Đồng ra hàng. Khuất Đả sai Kinh lược Mộc Châu họ Xa và Cầm La canh giữ đất, sửa cửa ải. Vua Lê Thánh Tông ban đầu định sai giết, nhưng sau khi nghe lời Đinh Liệt thì vẫn không nguôi giận, sai giam vào ngục.

Sau đó, Hiệu úy Hoàng Liễn đánh trận cuối ở Khâu Lạo. Quân Lan Xang thiệt hại 3.000 người. Đến đây, xung đột tạm ngưng. Năm 1471, Lan Xang sai sứ đến Thăng Long. Khi ấy vua Lê Thánh Tông đang đi đánh Chiêm Thành, phải di chuyển vào hành điện tại cửa Tư Dung. Khi vua Lê trở về mới gặp. Uy thế của Đại Việt khi đó lên cao. Năm 1474, Lan Xang phải sang cống nộp.

Đại Việt tiến công

Năm 1478, phụ đạo phủ Trấn Ninh (tức Bồn Man) là Cầm Công liên kết với Lão Qua (Lan Xang) đem binh quấy nhiễu khu vực phía tây xứ Nghệ. Nhận thấy tình hình nguy hại, vua Lê Thánh Tông quyết định hạ chiếu đi đánh Lão Qua. Cuộc chiến ở biên giới có lẽ đã thành công, tuy nhiên theo Chiếu đánh Bồn Man của Lê Thánh Tông thì Cầm Công không những không quay lại thần phục nhà Hậu Lê mà còn chống lại Chế sứ Nguyễn Tử Nghi, giết đại thần Vương Văn Đán, ngăn thư báo thắng trận về đến Thăng Long. Đến tháng 6 năm 1479, vua Lê quyết định chuẩn bị đánh Bồn Man.

Theo đó, Lê Thánh Tông trao cho các tướng Thái úy Lê Thọ Vực, Trịnh Công Lộ, Lê Hy Cát đeo ấn đem quân đi chinh phát Bồn Man. Theo kế hoạch, đến tháng 8 thì sẽ chia quân tiến công.

Đến tháng 7, Lê Thánh Tông xuống Chiếu đánh Lão Qua, trong đó kể tội Lan Xang sỉ nhục các vua nhà Hậu LêLê Thái Tổ, Lê Thái Tông, chứa chấp các tù trưởng làm loạn, cướp các vùng Lang Chánh, Sầm Thượng, Sầm Hạ, Lâm An, Quy Hợp. Đặc biệt Lê Thánh Tông nhắc đến chuyện Cầm Công của Bồn Man dẫn đường cho quân Lan Xang. Lê Thánh Tông liền sai các danh tướng chỉ huy 5 đạo quân, huy động quân số lên đến 18 vạn, chia làm 5 đường tiến vào Lan XangBồn Man:[4]

  • Đoan Vũ hầu Trịnh Công Lộ, Đô đốc Lê Vĩnh, Tổng binh Nguyễn Lộng chỉ huy cánh quân chính phía Bắc gồm quân tinh nhuệ của 5 vệ thuộc Đông quân Đô đốc phủ, quân số 2.000 người theo đường phủ An Tây đánh thẳng vào thành Lão Qua (Kinh đô Luang Prabang). Ngoài ra, Trịnh Công Lộ còn được toàn quyền chỉ huy cánh quân của Lê Lộng.
  • Phó tướng Lê Lộng, Tham tướng Đinh Thế Nghiêu theo đường Thuận Mỗi nằm trong tầm điều hành của cánh quân Trịnh Công Lộ, có vai trò yểm trợ cho cánh quân này đánh Lan Xang (Lão Qua), đồng thời đánh chẹn tàn quân.
  • Phó tướng Lê Nhân Hiếu chỉ huy cánh quân phía Bắc theo đường phủ Thanh Đô (Phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa), đánh vào chỗ sơ hở của Lan Xang tại Hủa Phăn, đánh Lão Qua và vu hồi vào Bồn Man.
  • Tướng quân Lê Thọ Vực dẫn cánh quân trung tâm đi theo đường chính phủ Trà Lân (Thừa tuyên Nghệ An), chỉ huy các doanh du kích đánh trực tiếp vào Bồn Man (Xiêng Khoảng), rồi xuyên qua Bồn Man sang Lão Qua. Cánh quân này trực tiếp chịu sai khiến của vua Lê Thánh Tông.
  • Tướng quân Lê Đình Ngạn chỉ huy cánh quân phía Nam theo đường phủ Ngọc Ma (Tây nam Nghệ An, khoảng Con Cuông, Thanh Chương tỉnh Nghệ An, Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh) ngược lên theo hướng tây bắc đánh Bồn Man rồi Lão Qua.

Theo sử Lào, quân Lan Xang đặt mai phục ở đồi Poomung. Trận chiến diễn ra suốt 3 ngày đêm, hai bên đều thương vong lớn, quân Lan Xang phải rút về Na Khaochao. Quân đội Đại Việt truy kích và giao chiến ở cánh đồng Na MoungkonNa Haidio. Hai bên đều chịu tổn thất, nhưng quân đội Đại Việt dựa vào ưu thế tạm thời về quân số bao vây và đánh bại Lan Xang, giết chết hai tướng Muen KwatepaMuen Neua. Cánh quân lan Xang do tướng Muen BunMuen Luan đến cứu cũng bị tiêu diệt. Một số tướng Lan Xang là Norasing, Noranarai, Noradet và Norara thì bị bắt sống và xử tử ở Na Khaochao. Bản thân thế tử Chao Chienglaw bị thương nặng, rồi bị bắt giết.

Thất bại lớn khiến vua Xaiyna Chakhaphat cùng hoàng tộc vội lên thuyền chạy tới Chieng Khan (khi đó thuộc Lan Na, nay thuộc tỉnh Loei, Thái Lan). Quân đội Đại Việt tiến vào thành Luang Prabang, tịch thu của cải, lấy đây làm bàn đạp để tiến sang phía Tây.

Khi đó hoàng tử Thengkham, con thứ của Xaiyna Chakhaphat, đang cai trị ở Dansai (thuộc Loei) tập hợp quân ở vùng Dansai và Chieng Khan tiến về kinh đô Luang Prabang. Quân Đại Việt khi đó đã rút khỏi. Còn sử Lào ghi quân Đại Việt bị quân Lan Xang tấn công bất ngờ, nên tan rã và tháo chạy.[2]

Chiến sự lan rộng

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, sau khi đánh chiếm Luang Prabang, quân đội Đại Việt mở cuộc tiến công truy kích quân Lan Xang về phía Tây[4], đưa quốc thư cho vua Miến Điện (Ava):[15]

Năm đạo quân cùng hợp đồng đánh Ai Lao, phá tan bọn chúng, vào thành Lão Qua, tịch thu của cải châu báu. Quốc vương nước ấy chạy trốn. Ta bắt sống dân chúng, chiếm lấy đất đai, đến tận sông Trường Sa, giáp biên giới phía nam nước Miến Điện,[16] nhận được thư của nước Miến Điện, thắng trận trở về.

Cánh quân trung tâm do Lê Thánh Tông thân chính mới đến hành cung Chiềng Vang, sau đến Châu Bồ được bốn ngày thì nghe tin Trịnh Công Lộ đại thắng, bèn trở về Thăng Long. Tuy nhiên, các cánh quân đánh Bồn Man có lẽ chưa thành công khi thư báo thắng trận của Lê Thọ Vực bị chặn mất. Lê Thánh Tông liền sai hai tướng vận lương Khâm sai Trần Bảo, Phó tướng Nguyễn Cảnh Thanh mang sắc chỉ cho Lê Thọ Vực khi đó đang đóng tại vùng đất chiếm được ở Sa Quan, châu Niệm Tống Trung (ngã ba sông thượng du Lan Xang).

Lê Thánh Tông trở về lập tức sai Lê Niệm đốc suất quân đội (sử ghi là 300.000), thân chinh để tiêu diệt hoàn toàn lực lượng kháng cự của Cầm Công tại Bồn Man. Quân đội Đại Việt vượt qua được cửa ải, đốt phá các thành trì kháng cự, thiêu hủy kho tàng. Cầm Công bỏ chạy rồi chết. Dân Bồn Man khi đó đa phần bị chết đói, 9 vạn hộ chỉ còn 2.000 người bèn đầu hàng. Vua Lê Thánh Tông bèn cho Cầm Đông (em Cầm Công) làm Tuyên úy đại sứ để thu phục. Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi:

Xuống chiếu hỏi tin tức đánh nước Lão Qua và hỏi tin về các doanh của Chinh Di tướng quân Trịnh Công Lộ miền thượng lưu, của Trấn lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn miền hạ lưu xem đã tiến được gần hay xa, còn hành quân đã hay ngừng lại... phải tâu lên cho tường tận, hẹn ngày 21 tháng này, đến hành điện Chiềng Vang báo cáo. Lại dụ rằng: Thư báo thắng trận của Chinh Tây quân doanh đánh phá nước Lão Qua bị giặc Bồn đón chặn mà mất thì bọn tướng quân Lê Thọ Vực làm bản tâu theo sự thực và kê khai họ tên những người cắt được tai giặc tại trận giao cho Trần Bảo mang theo về hành tại. Ngày mồng 8, xa giá đi tới Châu Bồ, đóng doanh ở đây 4 ngày. Đến ngày 22 đại giá trở về. Ngày 29, quan Khâm sai phó đoán sự vệ Cẩm y Trần Bảo và Hữu tuần tiễu phó tướng quân Nguyễn Cảnh Thanh mang sắc chỉ tới Sa Quan, châu Niệm Tống Trung ở ngã ba sông miền thượng lưu thuộc đất Lão Qua. Tháng 12, ngày 28, vua về tới kinh sư. Lại đánh Bồn Man. Sai tướng quân Kỳ quận công Lê Niệm đeo ấn tướng quân, mang 30 vạn quân đánh Bồn Man, vì có thư báo thắng trận của Chinh Tây quân doanh đánh nước Lão Qua bị giặc Bồn đón chặn làm mất. Quân vào cửa ải, Cầm Công bỏ chạy rồi chết. Quân ta đốt thành, đánh phá các thành khác, đốt các kho tàng... phong cho người giống nòi đó là Cầm Đông làm Tuyên úy đại sứ, lại đặt quan lại trấn giữ các huyện để cai trị. Sau Cầm Đông lại làm phản... Canh Tý, năm thứ 11 (1480), mùa xuân, tháng giêng, xa giá từ Bồn Man về đến.

Đến tháng 1 năm 1480, Lê Thánh Tông trở về kinh đô, cuộc chinh phạt coi như đã hoàn thành mục tiêu.